Thí sinh ở Hà Nội sau buổi thi tốt nghiệp THPT năm 2024 - Ảnh: NAM TRẦN
Thí sinh ở Hà Nội sau buổi thi tốt nghiệp THPT năm 2024 - Ảnh: NAM TRẦN
Theo quy chế, Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm chỉ đạo tổ chức kỳ thi, quyết định phương án xử lý các trường hợp đặc biệt và tình huống bất thường khác. Bộ sẽ cung cấp các hệ thống phần mềm, văn bản hướng dẫn, tổ chức tập huấn phục vụ công tác tổ chức thi đảm bảo thống nhất trên toàn quốc.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo hướng dẫn, tổ chức thanh tra, kiểm tra kỳ thi theo quy định pháp luật. Bộ quy định cấu trúc, định dạng đề thi, công bố đề thi tham khảo cho kỳ thi. Bộ tổ chức ra đề thi, hướng dẫn quy trình vận chuyển đề thi từ hội đồng ra đề thi tới các ban in sao đề thi.
Bộ cũng ban hành các quy định, quy trình hướng dẫn chuẩn bị để tổ chức thi trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm tại một số địa phương có đủ điều kiện.
Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện đối sánh kết quả thi và điểm trung bình cả năm lớp 12 của thí sinh lớp 12 trong năm tổ chức thi, phân tích điểm của các môn thi để đánh giá kết quả kỳ thi.
Theo dự thảo, UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm toàn bộ về chỉ đạo tổ chức kỳ thi tại địa phương bao gồm các khâu in sao đề thi, coi thi, chấm thi, thanh kiểm tra việc tổ chức kỳ thi.
Sở giáo dục và đào tạo các địa phương có trách nhiệm xét công nhận tốt nghiệp cho thí sinh, chỉ đạo tổ chức cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời, bằng tốt nghiệp THPT, giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông, giấy chứng nhận kết quả thi khi thí sinh yêu cầu, công bố công khai phổ điểm các môn thi, đối sánh điểm thi trung bình các bài thi, môn thi và điểm trung bình môn học tương ứng năm lớp 12 của các trường phổ thông trong tỉnh, thành phố.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 dự kiến diễn ra trong hai ngày 26-27/6, tương tự mọi năm.
Thông tin được Bộ Giáo dục và Đào tạo đề cập trong khung kế hoạch năm học 2024-2025, công bố ngày 5/8. Các năm trước, Bộ hầu như không đưa ra dự kiến lịch thi tốt nghiệp THPT vào đầu năm học.
2025 là năm đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp THPT theo chương trình mới (chương trình 2018). Học sinh phải thi bốn môn. Trong đó, hai môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn; hai môn lựa chọn nằm trong các môn học sinh được học ở THPT, gồm Hóa học, Vật lý, Sinh học, Ngữ văn, Địa lý, Lịch sử, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ và Ngoại ngữ (Anh, Đức, Nga, Nhật, Pháp, Trung, Hàn).
So với hiện nay, số môn thi giảm hai, số buổi thi giảm một. Đề thi Ngữ văn vẫn giữ hình thức tự luận. Các môn còn lại theo dạng trắc nghiệm với các câu hỏi chọn phương án đúng, đáp án đúng/sai và trả lời ngắn.
Thí sinh TP HCM sau khi hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp 2024. Ảnh: Quỳnh Trần
Trong một văn bản cuối tháng trước, Bộ cho hay với nội dung hướng đến đánh giá năng lực học sinh, cơ quan này sẽ xây dựng thư viện câu hỏi thi có tính "mở", huy động sự đóng góp từ mọi nguồn lực trong ngành.
Để sắp xếp phòng thi tối ưu, hạn chế việc thí sinh phải di chuyển nhiều, Bộ đưa ra nguyên tắc: "Các thí sinh dự thi cùng tổ hợp hai môn tự chọn sẽ được sắp xếp cùng phòng". Vì vậy, các địa phương khảo sát nguyện vọng môn thi của học sinh từ tháng 12 năm nay để xây dựng phương án và thử nghiệm.
Về phương án xét tốt nghiệp 2025, Bộ cho biết sẽ kết hợp điểm thi và kết quả học tập cả quá trình theo tỷ lệ phù hợp. Các đại học được khuyến khích sử dụng điểm kỳ thi này để tuyển sinh.
Một điểm mới nữa trong dự thảo quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025 là cách tính điểm xét tốt nghiệp THPT có sự điều chỉnh.
Theo đó điểm trung bình môn thi cộng với điểm khuyến khích nếu có chiếm 50%, và điểm trung bình các năm học THPT chiếm 50%, cộng với điểm ưu tiên nếu có chia 4. Cách tính điểm trung bình năm học sẽ bao gồm tổng điểm trung bình lớp 10x1 cộng với điểm trung bình lớp 11x 2 cộng với điểm trung bình lớp 12x 3 rồi chia cho 6.
Các năm trước cách tính điểm tốt nghiệp theo công thức điểm thi chiếm 70%, điểm học tập chiếm 30% và điểm học tập chỉ sử dụng điểm của năm lớp 12.